Trẻ nhỏ được sinh ra với vô vàn khó khăn mà trẻ cần phải thích nghi, từ môi trường chỉ có mình con trong bọc ối, cho đến môi trường tràn ngập ánh sáng, âm thanh, con người và những sự vật, hiện tượng khác của thiên nhiên và xã hội.
Vì vậy, môi trường lý tưởng của trẻ không chỉ về mặt vật chất mà còn là ở khía cạnh, tinh thần, tâm lý của môi trường, tức là người lớn làm việc với trẻ cũng cần phải chuẩn bị cho bản thân thân mình thật tốt. Trẻ sử dụng môi trường để xây dựng bản thân nên môi trường càng tốt thì trẻ càng phát triển.
Tuy nhiên, môi trường hoàn hảo ở thời điểm này nhưng lại không hoàn hảo ở thời điểm khác. Môi trường cho phép trẻ thích nghi với văn hóa của trẻ nên không có môi trường nào là hoàn hảo cho tất cả trẻ trên thé giới này Cho dù những tính chất chung được giữ vững thì những yếu tố văn hóa luôn được thay đổi để trẻ có thể thích nghi với văn hóa địa phương đó. Trẻ hấp thu tất cả mọi thứ trong môi trường nên môi trường sẽ là một phần trong trẻ.
Môi trường vật lý
Không gian dành cho trẻ không nên quá lớn hoặc quá nhỏ để trẻ cảm thấy thoải mái và có thể làm việc độc lập trong không gian đó. Nếu kích thước quá lớn, trẻ sẽ cảm thấy lạc lõng và khôn được quan tâm còn nếu quá chật hẹp thì trẻ sẽ không có đủ sự tự do cần thiết cho các hoạt động của mình.
Ánh sáng tự nhiên nhiều nhất có thể. Điều đó không chỉ hỗ trợ cho việc quan sát các sự vật, hiện tượng của trẻ mà còn giúp cho không gian trở nên sáng sủa và rộng rãi hơn
Âm thanh nên ở mức vừa đủ trong môi trường của trẻ. Tức là những âm thanh của tự nhiên như tiếng gió, tiếng chim hót, tiếng sóng biển chẳng hạn, những âm thanh ấy nếu được, nên có mặt trong môi trường ở mức nhỏ vừa đủ. Còn những âm thanh như tiếng ồn của xe cộ, công trình, tiêng họp chợ thì không nên có mặt trong môi trường này. Cùng với đó là độ vang của tiếng nói mọi người trong môi trường nên ở mức tối thiểu
Nhiệt đồ phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Với trẻ nhỏ, có ít khả năng vận động và còn nằm một chỗ thì nên có nhiệt độ ấm hơn so với những trẻ lớn đã có thể vận động liên tuc không mệt mỏi.
Thông thoáng không khí trong môi trường cũng là một điều kiện cần thiết của môi trường này. Môi trường của trẻ phải thoáng khí để trẻ có thể hít thở không khí tự nhiên và có sức khỏe tốt nhất.
Các học cụ trong môi trường cần phù hợp cho trẻ sử dụng để có thể tạo ra nhiều lợi ích cho trẻ. Các học cụ cần có kích thước vừa tay cầm của trẻ, có độ nhẹ để trẻ dễ dàng di chuyển chúng khi cần và cũng đủ vững chắc đối với các vận động của trẻ. Và điều đặc biệt lưu ý đó là tất các các học cụ và đồ vật cho trẻ sử dụng phải ở tầm cao vừa với trẻ.
Học cụ trong môi trường
Học cụ chính là phương tiện phát triển của trẻ vì vậy học cụ phải phù hợp với nhu cầu và độ tuổi của trẻ. Giúp trẻ dễ dàng sử dụng và lặp đi lặp lại. Việc lặp đi lặp lại một cách dễ dàng sẽ giúp trẻ biến tiềm năng thành kỹ năng và tự xây dựng được năng lực cho mình.
Các học cụ luôn có sự kiểm soát lỗi trong chính học cụ đó, cũng như cô lập độ khó cho từng hoạt động. Kiểm soát lỗi ở đây là việc trẻ đã thực hiện hoạt động đó một cách hoàn chỉnh hay chưa, ví dụ như khi con đặt một cái ghế xuống một cách mạnh bạo sẽ tạo ra tiếng ồn, chính tiếng ồn đó là sự kiểm soát lỗi và giúp con tự đánh giá được việc mình làm và biết rằng lần sau mình cần nhẹ nhàng hơn. Cô lập độ khó ở đây là ý nói đến việc trình tự các hoạt động của con, con sẽ đi từ hoạt động dễ, ít thách thức trước, rồi tăng dần đến các hoạt động nhiều thách thức cũng như đòi hỏi sự khéo léo hơn.
Chúng nên được làm từ các chất liệu khác nhau để trẻ có đa dạng sự lựa chọn khi cần cũng như là một trong số chúng nên có thể vỡ được, để giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo của mình hơn. Các học cụ phải dựa trên những điều có thật và thực tế trong cuộc sống của trẻ. Chúng được trang trí một cách phù hợp và những chi tiết trang trí đó có cũng có chức năng của mình, một trong các chức năng đó là giúp trẻ nhận biết đâu là một bộ của từng bộ học cụ.
Mỗi bộ học cụ cùng một mục đích chỉ có một bộ duy nhất trong môi trường. Điều này một cách gián tiếp hỗ trợ trẻ phát triển năng lực xã hội của mình, “chờ đến lượt”, trẻ sẽ phải chờ bạn hoạt động với bộ học cụ mà trẻ muốn xong thì trẻ mới đuọc hoạt động.
Ngoài ra sự an toàn của học cụ luôn được đảm bảo. Các con được phép sử dụng vật thật trong môi trường như đồ sành sứ, thủy tinh để các con biết mình cần khéo léo hơn khi có sự đổ vỡ, tuy nhiên người lớn cũng nên lựa chọn những đồ vật khi bị vỡ ra là các mảnh lớn chứ không nên vỡ ra thành những mảnh quá nhỏ, có thể khiến trẻ bị thương. Những cây dao, cây kéo trong môi trường nên tròn đầu và dao thì nên là dao răng cưa.
Không gian lưu trữ nên ở ngoài, để tránh việc quá nhiều đồ đạc trong môi trường sẽ khiến trẻ bị rối, không gian trở nên chật hẹp.
Những hoạt động trong môi trường của trẻ đều liên kết với đời sống thực tế của trẻ.
Người lớn được đào tạo trong môi trường
Người lớn trong môi trường cũng chính là phương tiện phát triển của trẻ vì người lớn là cầu nối giữa trẻ và học cụ cũng như là hình mẫu để trẻ học tập một cách gián tiếp.
Người lớn lớn trong môi trường của trẻ ngoài tình yêu thương và tận tâm với các con cần là người biết quan sát và hiểu được nhu cầu của con để có thể hỗ trợ con tốt nhất trong những giai đoạn phát triển của trẻ. Bởi vì trẻ có các giai đoạn phát triển khác nhau và sự phát triển của mỗi trẻ ở mỗi giai đoạn cũng không hoàn toàn giống nhau. Khi người lớn ở cùng con và hiểu được điều này sẽ có thể loại bỏ được các trở ngại và hỗ trợ con được tốt nhất.
Người lớn hiểu được mục đích của học cụ và giúp trẻ liên kết được với học cụ thông qua các bài trình bày. Người lớn được đào tạo còn biết các kỹ thuật để đem đến cho trẻ bài trình bày dễ dàng nhất, giúp trẻ biến tiềm năng thành năng lực đúng thời điểm.
Và hơn thể nữa, người lớn là hình mẫu để các con học tập theo. Trẻ sẽ nhìn theo người lớn trong môi trường và học theo các hành động của chúng ta. Từ cách đi đứng, cách nói chuyện cho đến các hành vi ứng xử xã hội. Sau các bài trình bày trực tiếp, thì những gì người lớn làm trong môi trường sẽ là bài trình bày gián tiếp cho trẻ vì vậy người lớn cần nhất quán trong hoạt động của mình để trẻ không bị bối rối.
“Nhận loại tạo dựng môi trường phù hợp với bản thân, thay vì thích nghi với môi trường đó”
(Maria Montessori, Trẻ thơ trong gia đình)
Ấy vậy mà người lớn chúng ta lại đôi khi không thật sự nhận thức được rõ ràng việc tạo dựng một môi trường phù hợp cho trẻ là điều thiết yếu giúp cho quá trình phát triển của trẻ. Và môi trường lý tưởng của trẻ không chỉ có môi trường vật lý đơn thuần mà còn có người lớn vì trẻ đang sống trong môi trường xã hội cùng với người lớn. Ngoài những yếu tố vật lý, thì trẻ đang lấy người lớn làm gương và trẻ phản chiếu chính người lớn trong môi trường nên người lớn cần ý thức được tầm quan trọng của mình là không chỉ mang tới môi trường vật lý cho trẻ mà còn mang đến môi trường tâm lý và tinh thần.
Danh mục tài liệu tham khảo
Maria Montessori (1989), Tuyển tập Montessori – Tập 8, Trẻ thơ trong gia đình, Montesssori – Pierson, Amsterdam, Hà Lan