Nếu có thể quay lại thời gian và trở về tuổi ấu thơ, Bạn muốn mình trải qua tuổi thơ như thế nào?

Đây là đề bài tuyển Giáo viên của Little Beans – Bài viết này được viết bởi Cô Phạm Phạm Thu Hiền – Giáo viên Tiếng Anh lớp Flower. Little Beans rất hi vọng, loạt bài viết này sẽ thay lời giới thiệu các bạn giáo viên tại Little Beans tới Ba, Mẹ. Để có một góc nhìn hơn về những người “Ươm Mầm” tại Little Beans, chân thật và sống động như chính câu chuyện mà nó truyền tải.

Mỗi khi những chú ve râm ran bắt đầu điểm lên những bản nhạc du dương và những cánh hoa phượng nở đỏ thắm cả một khoảng sân trường, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng học trò thơ bé. Có bao nhiêu người trong số chúng ta nhớ về ngày đầu tiên được ba mẹ, ông bà đưa đến trường có cảm giác như thế nào? Lo lắng, hay sợ hãi, để rồi oà khóc nức nở khi rời xa vòng tay gia đình và sắp sửa thích nghi với  môi trường mới lạ lẫm. Nhưng rồi khi đến khi trưởng thành, khi gánh trên vai nhiều trách nhiệm lớn lao, nhiều người mới ao ước rằng được trở về những ngày bé thơ vụng dại, về mái nhà thứ hai gắn liền với nhiều kỷ niệm tuổi học trò.

Ai cũng có một tuổi thơ, một thời thơ ấu để hoài niệm. Nhiều khi con người ta càng lớn lên, càng trưởng thành lại càng thích nhớ và tìm về với những điều xưa cũ giữa biết bao thăng trầm, bộn bề của cuộc sống, của sự trưởng thành. Tôi cũng có một tuổi thơ trôi qua với bao kỷ niệm đẹp. Hương vị tuổi thơ tôi không phải gắn liền với những con đường thành thị tấp nập xe cộ và dòng người qua lại, cũng không phải là không gian đồng quê yên tĩnh, thanh bình với những cánh cò nghiêng cuối trời khi hoàng hôn ngả màu và mà là những phiên họp chợ từ sáng sớm đến những buổi dọn hàng vội vã về nhà lúc màn đêm dần buông, những ngày tháng cùng mẹ dãi nắng dầm mưa với gánh sạp hàng ngoài chợ nuôi dưỡng tuổi thơ cho đến tận bây giờ.

Tuổi thơ tôi chân thực đến nỗi, ngày qua ngày điều khó khăn đó chính là quyết định xem hôm nay sẽ chơi trò gì với lũ bạn, sẽ xin tiền mẹ mua quà vặt gì về ăn với lũ bạn, là những ngày trốn ba mẹ đi cắt lục bình dưới sông chơi hàng rong cùng nhỏ bạn thân gần nhà quên cả thời gian bị “thưởng” những trận đòn roi khi bị bắt về nhà, là những lúc đi hái từng cây lau, cây sậy ở bụi rậm ven đường để hái trái trứng cá, “bóp” ăn ngon lành, chúng tôi cùng kéo những chiếc diều giấy chạy ngược gió rồi sung sướng nhìn nó bay lên cao, miệng gào thét giống như bản thân đang nâng đỡ được cả bầu trời,  cho đến cả những trò chơi dân gian vận động như nhảy dây, nhảy lò cò, chơi tạt lon, chọi câu, đuổi bắt hay chỉ đơn giản là túm xụm lại chơi cờ chân chó, chơi cờ ô ăn quan mà nhiều người vẫn thường bảo“dễ ẹc” kia, ấy thế mà chơi không biết bao nhiêu lần, chơi qua không biết bao nhiêu ngày, cùng tôi và chúng bạn trãi qua suốt những năm tháng thời thơ ấu, rồi “vô tình” trở thành những kỷ niệm niệm đẹp đến tận sau này. Và đặc biệt, trong ký ức về quãng thời gian tươi đẹp của ngày thơ ấu ấy cũng có bóng dáng của mái trường mẫu giáo bé tí ti, nơi đầu tiên khiến chúng tôi cùng nhau có thêm những trãi nghiệm đẹp đẽ, hồn nhiên của lứa tuổi học trò.

 

Tôi không thể nhớ chính xác những ngày đầu tiên đến trường trong hai hàng nước mắt vì xa lạ hay không thế nhưng vẫn nhớ được như in cái cảnh vội cười toe toét, thích thú vì vẫn gặp và được chơi cùng những “người quen”, là những đứa bạn thân trong xóm và tò mò cả những người bạn mới xúng xính váy áo xinh xắn, đáng yêu. Trường của tôi là kiểu trường làng, chỉ có ba phòng học tương ứng với lứa tuổi Mầm, Chồi, Lá thời đó và với số lượng ít học sinh và thêm một phòng nữa dành cho các cô giáo thôi. Và ngôi trường mẫu giáo nhỏ xíu ấy núp sau những tán cây bạch đàn rộng lớn, mát rượi, che bóng mát mỗi khi chúng tôi được cô nắm tay, dắt díu ra sân nô đùa, sinh hoạt. Ba tôi dắt tay tôi đến trường mỗi ngày. Hồi đó, ở xóm chợ của tôi bị ngăn cách bởi một dòng sông nhỏ trãi dài và muốn tới trường thì phải qua một cây cầu cao, chỉ được đi bộ và không có xe qua được. Lúc đó tôi còn ước có một người giàu có tốt bụng trong xóm nào đó tài trợ cho chỗ chúng tôi được xây dựng một cây cầu khang trang hơn để tôi có thể nài nỉ ba tôi đèo trên chiếc xe máy cũ kỹ ở nhà đi đến trường.

 

“Mỗi ngày đi học là một niềm vui”, và thật vậy, tôi nhớ cái cảm giác đến trường rất phấn khởi và trông đợi, được ăn uống, được vui chơi cùng bạn bè, được chỉ dạy nhưng điều hay lẽ phải, được dạy múa, hát, cô còn dạy chúng tôi đọc thơ, được dạy nuôi dưỡng tấm hồn từ những điều nhỏ nhoi, bình dị tới những ước muốn lớn lao một cách rất đơn giản, rất thuần khiết. Lúc đó vẫn chưa chạm tay vào những lo toan của cuộc sống muộn phiền, được như một đứa trẻ bình thường cùng với chúng bạn làm quen với nhiều thứ mới mẻ xung quanh, bị làm sai, bị trách phạt rồi lại được vỗ về, chỉ bảo sửa lại, được động viên khuyến khích, mạnh dạn làm-đủ-thứ-chuyện-trên-đời. Tuy trường mẫu giáo của tôi khá nhỏ, đơn sơ tưởng chừng như thực hiện những điều bình thường hàng ngày nhưng đối với tôi lại chứa đựng nhưng điều phi thường, những cảm xúc lớn lao mỗi khi nhớ về.

Trẻ con thời xưa, cái gì cũng thiếu nhưng “sướng” hơn thời nay

Thời mẫu giáo là thời học sinh vô tư nhất và ngôi trường mẫu giáo cũng là ngồi trường mà rất nhiều người mong được trở về nhất nếu thười học sinh có quay trở lại, thời còn hồn nhiên ăn, ngủ và vui chơi, không lo bài vở. Đến bây giờ, khi thời đại của công nghệ, của hiện đại hoá, của sự hoà nhập từ nền văn minh tiên tiến trên thế giới, đã vô tình xoáy bọn trẻ vào “cuộc chạy đua”với thời đại mới, có quá nhiều thứ phải học, để trở thành “con nhà người ta” trong mắt bạn bè, gia đình, thầy cô. Những trò chơi điện tử công nghệ phát triển thì cũng là lúc những trò dân gian dần rời xa, những ngày tụm năm tụm ba cùng lũ bạn vừa giúp gắn kết tình bạn vừa giúp nuôi dưỡng những cảm xúc của bản thân cũng dần ít hơn, thay vào đó là cuộc sống ngày càng bận rộn của người lớn làm cho bọn trẻ chỉ quanh quẩn ở nhà, ở trường để học hành, mất dần đi sức sống vui tươi, hồn nhiên, vô ưu vô lo đúng lứa tuổi. Rồi chúng ta sẽ không phát hiện ra rằng thế giới nội tâm của trẻ em là vô biên, phải được phát triển theo một cách tự nhiên, một cách tích cực.

 

Nếu bọn trẻ được lên tiếng, được lựa chọn, chắc hẳn ai cũng đều mong muốn chọn “một ngôi trường trong mơ” thì dù là ở thành thị hay nông thôn, dù có đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại hay đơn giản chỉ là nhỏ xinh, trong lành, mộc mạc, dung dị đi chăng nữa thì khi được làm nhưng điều mình thích, được tự do, được độc lập, được thoải mái, được là chính mình, được khám phá và cảm nhận cuộc sống theo cách của mình thì những điều đó sẽ trở thành hành trang quý giá trong cuộc đời để sau này khi nhớ lại chí ít cũng không thấy hối tiếc, khi cuộc sống trưởng thành có biết bao thăng trầm cũng muốn quay về, tìm lại những ngày vui vẻ, hạnh phúc hồi còn nhỏ để giúp bản thân có thêm động lực, tự tin và yêu quý cuộc sống này hơn.

 

“Nếu bạn mang theo tuổi thơ bên mình, bạn sẽ không bao giờ già đi” Tom Stoppard.

Tuổi thơ – chỉ đơn giản thế thôi, cũng chẳng phải là cột mốc vĩ đại của đời người nhưng nếu bạn ôm trong mình một tuổi thơ với đầy những kỷ niệm đẹp thì nó sẽ luôn hiện hữu trong tâm trí, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn trong những nốt thăng trầm của tuổi trưởng thành. Điều gì đã đọng lại trong lòng bạn từ những ngày còn thơ ấu để rồi trở thành nhưng ký ức đẹp không thể quên, để bạn phải thốt lên rằng “Nếu thời gian có thể quay trở laị, hãy cho tôi xin một vé trở về tuổi thơ”.

 

Tác giả: Cô Phạm Phạm Thu Hiền