Để mỗi em bé là một phiên bản cô bé Totto-Chan hạnh phúc!
Tomoe thật xuất sắc, ngôi trường đặc biệt với những toa tàu cũ, khoảng sân chơi rộng cùng với những câu chuyện nhỏ nhưng thấm đẫm triết lý giáo dục của Nhà giáo Sosaku Kobayashi.
Triết lý giáo dục của tình yêu thương trẻ vô bờ và tôn trọng sự khác biệt của từng đứa trẻ. Cái triết lý đã là hành trang mang theo của Totto–chan, của Takahashi, … và chắc là cũng của hàng triệu đứa trẻ khác đã đọc và sống với thế giới của tuổi thơ theo những trang sách“Totto-Chan bên cửa sổ”.
Tôi cũng có một tuổi thơ hạnh phúc, ở đó tôi có một đồi cát, khoảng trời xanh luôn thoang thoảng vị mặn khi gió biển thổi vào, có những lần rách áo vì leo hàng rào, có cả những lần thơ thẩn ngồi cả buổi chiều chỉ để ngắm bản nhạc của những cơn gió, câu chuyện thần thoại của những đám mây, cho tới khi mặt trời khuất sau mặt biển phía chân trời. Nhưng tôi không có một ngôi trường như Tomoe!
Tôi không phải là một nhà giáo dục – tôi là người cha của một bé gái nhỏ nhắn, với nụ cười và khuôn mặt lúc nào cũng tỏa nắng. Và tôi mong ước, con mình có một tuổi thơ nhiều màu sắc, hạnh phúc và trở thành chính con. Tôi hiểu rằng, đó không chỉ là mong ước của riêng tôi, mà còn là mong ước của bao ông bố, bà mẹ. Và Little Beans ra đời, chỉ với mong ước giản dị những ngày tuổi thơ của các con sẽ là chuỗi những ngày trải nghiệm hạnh phúc, các con trưởng thành mỗi ngày, khỏe mạnh, cá tính và giàu lòng nhân ái, có tâm hồn luôn mở rộng và một thế giới quan nhiều màu sắc.
Thầy Sosaku Kobayashi xây dựng Tomoe với mục đích “Khám phá “bản chất” của các em và phát triển nó, để giúp các em trở thành những con người với những phẩm chất riêng”. Tại lớp học Tomoe, việc học tập hoàn toàn chủ động, các em được chọn cho mình môn học mà mình yêu thích và giáo viên quan sát và hiểu rõ hứng thú của từng em cũng như cách suy nghĩ và đặc điểm của mỗi em. Từ đó mỗi đứa trẻ hình thành sự tự lập, tự trọng và trưởng thành với cá tính riêng. Tôi nhận thấy điều tương tự như vậy trong triết lý giáo dục của bà Maria Montessori. Tôi tham khảo và tìm đến tư vấn của các bạn tôi, những Anh, Chị đã làm nghề và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục từ hơn 20 năm nay. Ngồi lắng nghe, đặt câu hỏi hay yên lặng quan sát rất nhiều lớp học, quan sát các con lúc hứng thú, lúc yên lặng. Tôi không ngại xin gặp và vào tìm hiểu thực tế tại các trường Montessori hàng đầu Việt Nam. Để rồi – vậy là tìm ra rồi, “Ngôi trường Tomoe” tôi muốn hướng tới sẽ áp dụng theo phương pháp Montessori. Tôi sợ nhất là một cái gì không được kiểm chứng chất lượng, và phương pháp Montessori đã được thế giới công nhận và áp dụng từ rất lâu. Tại Việt Nam phương pháp này đã vào hơn 20 năm và có những trường tiên phong để lại ấn tượng sâu sắc với phụ huynh và với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em. Tôi nhớ lần ra Hà Nội công tác, tình cờ tôi gặp được một người Chị làm giáo dục lâu năm và hiện cũng đang là một giáo viên mầm non dạy tại một trường ở Stockholm – Thụy Điển. Buổi nói chuyện bất ngờ và thú vị, tôi chỉ có 2 tiếng nói chuyện trước khi lên máy bay. Chị ấy kể, bên Thụy Điển – do nhà nước Thụy Điển trả phí cho các trường để các em bé có nền giáo dục miễn phí, nên có rất nhiều trường và áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau. Nhưng nếu tính 10 trường mầm non nổi tiếng và được yêu thích nhất Stockholm – thì cả 10 trường đó đều đang áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, thật bất ngờ với Tôi và điều đó càng nói thầm với tôi rằng, tôi đang chọn đúng triết lý cho ngôi trường của cô gái bé nhỏ của tôi.
Chọn hướng đi là vậy, thực hiện chúng mới khó. Nếu ta tìm trên Google về trường Montessori, chắc có thể ngay gần nhà bạn sẽ có một trường có tên như vậy gắn cùng. Chắc là cái gì là trend thì cũng sẽ có nhiều người làm theo, nhưng làm theo tới hay không thì chưa biết. Tôi quyết định hướng đi của trường tôi muốn làm sẽ có chuẩn quốc tế. Trên thế giới có rất nhiều tổ chức giáo dục về Montessori được chứng nhận toàn cầu, nhưng có hai tổ chức do đích thân bà Maria Montessori sáng lập và điều hành, là IMC (India Montessori Centre) – Tại Ấn Độ và AMI (Association Montessori International) – Tại Hà Lan. Và các cô giáo Little Beans được chọn đã theo học chương trình đào tạo và chứng nhận là giáo viên Montessori của hai tổ chức trên.
Cách đây vài tháng, truyền thông, mạng xã hội chúng ta phát sốt với câu chuyện thủ tướng Anh là một người gốc Ấn, và báo Thanh Niên lúc đó cúng có một cái tiêu đề thật kêu “Người Ấn Độ ‘thống trị’ vị trí CEO công nghệ toàn cầu” https://thanhnien.vn/nguoi-an-do-thong-tri-vi-tri-ceo-cong-nghe-toan-cau-1851515714.htm. Đứng đầu danh sách đó là CEO Google – Sundar Pichai, người đàn ông này cũng từng được giáo dục với phương pháp Montessori. Quay lại khi tìm hiểu về IMC, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy người du nhập và hình thành các trường về phương pháp giáo dục Montessori tại Ấn Độ từ năm 1929 là nhà Thơ vĩ đại – Rabindranath Tagore và một vĩ nhân khác của châu á là Mahatma Gandhi, vị tổng thống lập hiến đầu tiên của Ấn Độ hiện đại. Không biết đó có phải là một phần câu trả lời cho lý do tại sao, người Ấn Độ thống trị vị trí CEO các tập đoàn lớn toàn cầu, và nhất là công nghệ!
Nhưng tôi chỉ muốn con gái tôi có một tuổi thơ hạnh phúc! Ở Tomoe không chỉ có triết lý giáo dục, ở đó có thầy Kobayashi, thầy Maruyama, và các thầy cô khác. Ở đó còn có cả một không gian thế giới tuổi thơ của các em, để các em có thể thoải mái bay nhảy, vui chơi với tính tò mò, với mơ ước và với những ý tưởng của mình.
“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em nhỏ. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa đấy”.
Tôi nhớ tới hình ảnh người thầy Kobayasho ngồi hàng giờ để lắng nghe Totto-Chan kể câu chuyện của mình một cách chăm chú và thích thú. Chỉ một hành động như vậy thôi, mà cô bé đã coi thầy là người bạn của mình. Chỉ có tình yêu thương trẻ con to lớn lắm, ta mới không chán với những câu chuyện trẻ con này! Ai sẽ quan tâm đến ước mơ của một đứa trẻ, nếu không phải ta thấu hiểu chúng bằng tình yêu chân thật và giản dị xuất phát từ trái tim. Và tiêu chí bắt buộc khi tuyển dụng nhân sự của Little Beans là yêu trẻ con. Little Beans đã phỏng vấn rất nhiều ứng viên, và chỉ cần mảy may tôi nhận thấy bạn này đi làm chỉ là để có một công việc, chứ thật ra là không yêu trẻ con – Bạn sẽ bị loại. Tiêu chí bắt buộc thứ hai – là sự tôn trọng các con, tôn trọng sự khác biệt. Như câu nói ở trên, con có ước mơ của con, cô là người đồng hành và hướng dẫn con đến với khát vọng đó. Thì chỉ có thấu hiểu và tôn trọng, ta mới lắng nghe được con, đồng hành cùng con, và là một người bạn cho những ngày tuổi thơ đầy hào hứng của con. Tôi không hiểu lắm câu khẩu hiệu “đặt trẻ làm trung tâm” được diễn dịch như nào cho đúng. Theo Totto – Chan thì người thầy tuyệt vời là người thầy có đầy yêu thương và tôn trọng em, và không chỉ thể hiện bằng lời nói mà là trong từng góc nhỏ của trường.
“Chúng ta hãy đi tìm các nhịp điệu trong thiên nhiên” – thiên nhiên diệu kỳ và là một bản nhạc tuyệt vời của cuộc sống nếu ta biết lắng nghe bằng hơi thở, bằng mắt, bằng tai và bằng cả tâm hồn. Trong thành phố thật chật chội với nhiều bê tông hơn, nhiều khói bụi hơn và nhiều ồn ào hơn bởi tiếng còi xe. Thì tại ngôi trường nhỏ Little Beans, các con có một khoảng trời của riêng mình. Ngày làm việc với đội thiết kế, một công ty hàng đầu Việt Nam chuyên về thiết kế Trường học, tôi đã nói vậy “Để các con có khoảng trời của riêng mình”. Những hàng cây xanh mang bóng mát và cả bóng nắng chiếu xiên qua vòm lá, những quả sori, quả vú sữa chín gọi chim về ríu rít trong sân chơi ngoài trời và cả một lớp học trên cây, để con có thể ngồi hòa mình vào thiên nhiên khi học khoa học hay lịch sử, hay nhún nhảy theo giai điệu của âm nhạc khi học về cảm thụ nghệ thuật. Đó những gì Tôi có thể làm cho con và cho các bạn của con. AI đã và sẽ thay thế nhiều thứ đơn giản, logic và lặp đi lặp lại, thậm chí là cả sáng tạo ra nhiều thứ, nhưng cảm xúc thì sẽ rất khó có được. Tôi biết thời đại của con tôi và của các em khác, cảm xúc và sự sáng tạo sẽ mang đến điều khác biệt. Còn gì giản dị hơn khi các con hòa vào nhịp điệu thiên nhiên, đó là thứ xúc cảm mang sự sáng tạo ghê gớm và làm cho nhân cách con phát triển hài hòa.“Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân lý; có trái tim, nhưng không bao giờ rung động, và do đó không bao giờ rực cháy” – Thầy Kobayashi nói đó là những điều đáng sợ nhất. Tôi là một người cha mong muốn con mình rực cháy theo cách của con.
Vậy đấy, đây là cách suy nghĩ và làm về ngôi trường Tomoe nhỏ mà tôi và vợ là người sáng lập. Tại Cần Thơ, ngôi trường nhỏ ấy có tên là Little Beans, với ý nghĩa là những hạt đậu nhỏ, đầy màu sắc, cá tính và khác biệt. Nếu biết ươm mầm đúng cách nó sẽ trở thành những cây đậu xanh, đậu đỏ, đậu hà lan, đậu nành, ... khỏe mạnh, cá tính và hạnh phúc. Để mỗi em bé là một phiên bản Totto-Chan với tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc.
Đó cũng là cách tôi viết về tình yêu dành cho con gái mình!
Nguyễn Kim Hoàng – SG 17.02.2023